Không biết từ khi nào, đi chùa lễ Phật đã trở thành một thói quen của rất nhiều người dân Việt Nam, không phân biệt già, trẻ, trai, gái.
Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ gần hai thiên niên kỷ và được Việt hóa, trở thành quốc giáo, do đó nơi nơi đều có chùa. Chùa là nơi thờ Phật, đình đền, miếu, phủ thờ Thánh, thờ Thần (kể cả dương Thần, âm Thần, cũng như Thần Thiên Nhiên) và đại bộ phận phủ thờ âm Thần. Ấy vậy mà chùa lại thờ cả Thánh, cả Mẫu… Sự thờ phụng vừa khác vừa giống nhau, nói khác đi là sự phối thời một cách rộng rãi khiến chúng ta phải suy ngẫm về tục thờ, về văn hóa tín ngưỡng của Việt Nam.
Nếu như ở mảnh đất Phương Nam, nhất là đồng bằng sông Cửu Long thờ Phật theo phái “Tiểu thừa”, đức Phật A di đà ngự trị Phật điện là chính thì các chùa miền Trung nhất là miền Bắc lại phụng sự theo phái “Đại thừa” (độ cho người trước, độ cho mình sau) và trên Tam bảo có cả 5 giai đoạn: quá khứ, hiện tại, vị lai, cả lúc sơ sinh cũng như trên cõi Niết bàn của đức Phật. Bên cạnh chư vị Thế tôn còn có các vị Bồ Tát Át nam đà, Ca-diếp, Văn Thù, Phổ Hiền, Quán thế âm, Đại thế chí. Lại có cả Thiện hữu Thái tử, Ác hữu Thái tử, Thổ địa Thánh tăng, Đức Ông, các Tổ… các vị vua, ông Thánh có công với chùa, hoặc đi tu cũng được thờ ở Tam bảo, hay hậu điện, khiến tính chất Phật giáo ở Việt Nam có khác cội nguồn ở Ấn Độ.
Lại việc thờ Tứ vị Pháp vương Phật là Vân, Vũ, Lôi, Điện rồi khi Tam giáo đồng nguyên thờ cả Nho giáo, Lão giáo càng chứng tô đặc thù Phật giáo Việt Nam là sự dung hợp giữa Phật, Thánh, Thần, Tiên và cá người, cả trời, cả đất. Nghĩa là ngôi chùa không chỉ là nơi hưóng thiện “Từ bi hỉ xả” mà còn là nơi truy tư công đức, nơi cầu xin để đạt được các sở nguyện đời thường, cũng như khi về cõi vĩnh hằng. Và bởi sự dung hợp đó mà khách hành hương khi đến chùa bị choáng ngợp trước tượng pháp, ban này, ban khác, cung nọ cung kia khó định được giá trị nhân văn của sự tôn thờ.
Việc lễ chùa hiện nay đã trở thành nét đẹp trong văn hóa tinh thần thường nhật của nhân dân. Từ thành thị đến nông thôn, các ngày sóc, vọng bà con thường rủ nhau đến chùa lễ Phật. Các lễ tiết trong năm, mọi người cúng lễ ở nhà nhưng cũng không quên lên chùa lễ Phật. Các cụ già làng, còn lo làm lễ cầu an ở chùa cho dân, lo làm lễ cầu mát khi vào hè cho dân, hoặc làm lễ dâng sao, trừ ôn dịch, sâu bọ phá hoại mùa màng. Xưa kia khi hạn hán kéo dài, quan lại và các kỳ hào còn đến chùa thờ Tứ Pháp làm lễ đảo vũ, để cho dân có nước cấy cày, cho cỏ cây tươi tốt…
Những việc làm xem chừng thiếu khoa học, nhưng lại đầy thiện tâm. Có cái phi lý, lại có chỗ hợp lý, khiến dân gian vẫn gửi gắm niềm tin. Và cũng bởi niềm tin chính đáng đó nên không ai cản phá, mà cũng khó lòng xóa đi đời sống tinh thần của đông đảo nhân dân, vốn dĩ là di sản ngàn xưa để lại.
Một số bà con ở thành thị, hoặc nông thôn có điều kiện kinh tế khá giả còn tổ chức đi vãn cảnh chùa, đi lễ Phật ở các chùa cảnh thuộc danh sơn cổ tích như chùa Hương Tích, chùa Tây Phương (Hà Tây). Chùa Tây Thiên (Vĩnh Phú) Quan Âm, chùa Trấn Quốc, chùa Hà, chùa Một Cột, chùa Thánh Quang (Hà Nội), chùa Đọi Sơn, chùa Ông, chùa Bà Đanh, chùa Trinh Tiết, chùa Quế Lâm (Hà Nam), chùa Bích Động, chùa Địch Lộng (Ninh Bình), chùa Tháp Phổ Minh, chùa Keo Hành Thiện, chùa Bi, chùa cổ Lễ, chùa Lương, chùa Phúc Hải, chùa Ninh Cường… (Nam Định), chùa Keo (Vũ Thư), chùa Phúc Lâm, chùa An Cố (Thái Bình), khu danh sơn Yên Tử (Quảng Ninh), chùa Côn Sơn (Hải Dương), chùa Dâu và trung tâm Luy Lâu, chùa Keo (Bắc Ninh) chùa Tượng Sơn (Hà Tĩnh), chùa Sư nữ (Nghệ An), chùa Thiên Mụ (Huê), chùa Tây An (Núi Sam An Giang), chùa Phước Lâm (Thị xã Tây Ninh) chùa Giác Lâm quận Tân Bình thành phố Hồ Chí Minh…
Mọi người ái mộ đạo Phật và đến với Phật giáo bằng tấm lòng từ thiện, hy vọng sẽ gật hái được mọi sự tốt lành theo thuyết “Nhân nào quả ấy”. Mọi khổ hạnh cũng như hoan lạc đến với con người, không phải do khách quan mà do chính con người hiện tại, hoặc quá khứ đã tạo ra. Do vậy, để góp phần suy ngẫm về đạo Phật, về giáo lý cũng như tính nhân bản cao đẹp của đạo, xin khái quát một số nét về đức Phật, để ai đó hiểu thêm về chân tướng cũng như chân lý, từ đó mà tạo ra lý trí, tránh mọi hành vi hoang đường, có nhận thức đúng về thực tại, ngẫm mà giác ngộ cũng như giải thoát mọi sự đau khổ, sợ hãi, đem niềm vui và hạnh phúc về cho bản thân cũng như gia đình, xã hội.