Nghi thức thờ cúng tổ tiên của người Việt

Trong tục thờ cúng tổ tiên, người Việt coi trọng việc cúng giỗ vào ngày mất (còn gọi là “kỵ nhật”) thường được tính theo âm lịch (hay còn gọi là “ngày ta”).

Họ tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng. Không chỉ ngày giỗ, việc cúng tổ tiên còn được thực hiện đều đặn vào các ngày mồng một (ngày sóc), ngày rằm (ngày vọng), và các dịp lễ tết. Những khi trong nhà có việc quan trọng như dựng vợ gả chồng, sinh con, làm nhà, đi xa, thi cử…, người Việt cũng dâng hương, làm lễ cúng tổ tiên để báo cáo và để cầu tổ tiên phù hộ, hay để tạ ơn khi công việc thành công.

Nghi thức thờ cúng tổ tiên của người Việt
Thờ cúng ông bà tổ tiên

Bàn thờ tổ tiên bao giờ cũng đặt tại nơi cao ráo, sạch sẽ và trang trọng nhất trong nhà (gian giữa đối với nhà một tầng, tầng trên cùng đôi với nhà tầng). Trên bàn thờ thì bày bát hương, chân đèn, bài vị hay hình ảnh người quá cố. Đồ cúng cơ bản không thể thiếu hương, hoa, chén nước lã vì theo triết lý của các cư dân nông nghiệp thì nước là thứ quý giá (sau đất). Ngoài ra có thể có thêm thức ăn, trà rượu, và có khi có cả đồ vàng mã (quần áo đồ dùng làm bằng giấy), tiền âm phủ… Sau khi tàn tuần hương, đồ vàng mã và tiền âm phủ được đem đốt, được gọi là “hoá vàng”, còn chén rượu cúng thì đem rót xuống đống tàn vàng. Tục truyền rằng phải làm như vậy người chết mới nhận được đồ cúng tế, vì hương khói bay lên trời, nước (rượu) hòa với lửa mà thấm xuống đất tạo nên sự hoà quyện lửa – nước (âm dương) và trời – đất – ngươi (tam tài) mang triết lý sâu sắc. Đối với người Việt Nam, dù nghèo khó đến mấy trong nhà vẫn phải có đồ thờ, hương án, bát hương, đài rượu, chân đèn. Đó là những vật gia bảo thiêng liêng.

Ngoài ra còn phải kể đến các bài văn khấn trong nghi lễ thờ cúng tổ tiên, bao giờ sắp lễ xong, người chủ trong gia đình cũng phải làm nghi thức khấn vái để mời tổ tiên về thụ lộc.

Các đồ thờ cúng gia tiên

Bài vị: Bài vị hay Thần chủ được làm bằng gỗ táp (cây táp sông lâu được ngàn tuổi) có dán miếng giấy ghi tên húy (tên khi sống kiêng không được gọi), tên thụy (tên vua ban cho những người có chức tước sau khi chết), tên hàm hay hèm (tên người nhà đặt cho người chết để dùng khi cúng giỗ), bằng cấp, phẩm tước, tuổi, ngày sinh và ngày mất.

Bài vị hay Thần chủ được đặt trong lòng cái khám có cánh cửa, khi nào cúng tế mới mở ra. Khám được làm bằng gỗ quí, hình khối chữ nhật, có cánh cửa, chạm trổ rồng chầu mặt nguyệt, và sơn son thếp vàng. Cái khám được đặt phía giữa ở trong cùng của bàn thờ.

– Ảnh người quá cố: Nếu có ảnh của người quá cố ta nên đóng khung và bày bên cạnh bài vị để con cháu chiêm ngưỡng trong khi cúng.

– Lư hương: Lư hương dùng để đốt trầm (thứ cây gỗ có mùi thơm dùng để làm hương đốt) được đặt ngay trước bài vị. Việc đốt trầm cốt để tạo không khí thơm tho ấm cúng và trang nghiêm ở nơi thờ cúng. Vì bát nhang thường thấp và nhỏ trong khi lư hương thường to và cao nên bát nhang thường được đặt ở phía ngoài lư hương để tiện cho việc cắm nhang (hương), nhất là khi có người đến dâng hương. Tuy nhiên, cũng có gia đình bày bát nhang ngay trước bài vị và lư hương ở phía ngoài của bát nhang.

– Bát nhang: Bát nhang còn gọi là bát hương được đặt ở chính giữa bàn thờ và trước lư hương. Bát nhang hay bát hương là một cái bát đựng tro hay cát đã được đài và rửa sạch để cắm nhang. Nếu không có tro hay cát, người ta lấy gạo để thay thế. Để tăng thêm vẻ trang nghiêm và trịnh trọng, phải có “ống đựng nhang” đặt trên bàn thờ.

– Hai chân đèn cầy (nến): Hai chân đèn cầy để cắm nến được bày ở hai bên bát nhang.

Bình hoa và mâm ngũ quả (5 thứ trái cây): Bình hoa và mâm ngũ quả được bày ở hai bên bàn thờ theo quy tắc “Đông bình Tây quả”, tức là bình hoa bày ở hướng Đông và mâm ngũ quả bày ở phía Tây của bàn thờ. Hướng của bàn thờ luôn luôn được coi là hướng Nam và hướng của người đứng lễ luôn luôn được coi là hướng Bắc. Việc bày bình hoa và mâm ngủ quả này rất phù hợp với khoa học vì hướng mặt trời mọc, hướng Đông, có ảnh hưởng làm cho hoa nở.

– Ba ly đựng rượu: Ba ly đựng rượu hay ba ly đựng nước trong tinh khiết được đặt ở giữa bình hoa và mâm ngũ quả.

– Cỗ bàn: cỗ bàn được bày trên một mâm riêng hoặc có thể đặt ngay trên bàn thờ.

– Ba bát (chén) cơm: Ba bát cơm chỉ được xới (đơm) tới lưng bát. Ba bát cơm này được bày ở phía ngoài cùng của bàn thờ.

– Ba đôi đũa son hay đùa ngà: Khi bày 3 bát cơm ta cũng phải bày 3 đôi đũa, thường là đũa son hay đũa ngà. Theo phong tục, ta phải có một “ống đựng đũa” để cùng với một lư hương, hai chân đèn, và một ống đựng nhang hợp thành bộ “Ngũ Sự”.

Chú ý khi cúng giỗ Tổ tiên

Trong phong tục thờ cúng Tổ Tiên thì lễ cúng vong linh người đã khuất vào các kỳ giỗ: ông, bà, bố, mẹ, chồng (vợ) là quan trọng nhất

Cúng giỗ gia tiên thể hiện đạo hiếu, thể hiện tấm lòng thủy chung thương tiếc của người đang sống với người đã khuất. Nên vào ngày giỗ của tổ tiên, nhà giàu thì có tổ chức cúng lễ linh đình mời họ mạc gần xa, anh em bằng hữu về dự, còn nhà nghèo túng thì bát cơm, quả trứng, đĩa muối, lưng canh với ba nén nhang, cây đèn dầu cúng người đã khuất.

Theo tục xưa:

Nếu bố đã chết thì phải khấn là: Hiển khảo

Nếu mẹ đã chết thì phải khấn là: Hiển tỷ

Nếu ông đã chết thì phải khấn là: Tổ khảo

Nếu bà đã chết thì phải khấn là: Tổ tỷ

Nếu cụ ông đã chết thì phải khấn là: Tằng Tổ Khảo

Nếu cụ bà đã chết thì phải khấn là: Tằng Tổ Tỷ

Nếu anh em đã chết thì phải khấn là: Thệ huynh, Thệ đệ

Nếu chị em đã chết thì phải khấn là: Thể tỵ, Thể muội

Nếu cô dì chú bác đã chết thì phải khấn là: Bá thúc Cô Di, Tỷ Muội

Hoặc khấn chung là Cao Tằng Tổ Khảo, Cao tằng tổ tỷ nội ngoại gia tiên.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button