Từ rất lâu, bàn thờ gia tiên đã được người Việt dùng làm nơi thờ cúng tổ tiên, ông bà…Nhằm mục đích biết ơn công của những người đã khuất.
Tục thờ cúng gia tiên đã được hình thành từ rất sớm đối với các cư dân ở vùng châu Á. Trong không gian đó thì tục thờ cúng gia tiên của người Việt là một sinh hoạt tâm linh thường trực đối với bất kể người nào. Người Việt thường coi gia tiên của dòng họ mình, nhà mình là thần linh riêng luôn đứng bên cạnh hỗ trợ về mọi lẽ đời, lẽ đạo của từng con người.
Hiện tượng này dù cho mang tính tự nhiên, tự phát nhưng suy cho cùng đã được nhiều nhà nghiên cứu coi rằng nó xuất phát từ một khía cạnh của bản sắc văn hoá dân tộc. Hầu như trước đây, không một người Việt nào quan niệm chết là hết, mà sự chết chỉ là hiện tượng chuyển kiếp từ không gian vật chất sang không gian tâm linh với một linh hồn vĩnh cửu mà thôi. Linh hồn này bất biến, tự nhiên, tự tại và luôn có khả năng chi phối lại với những kiếp đời ở trần gian.
Một đặc điểm khác là, người Việt thường nhìn những linh hồn vĩnh cửu ấy “thuộc dòng họ của mình” là những chuẩn mực về cả đạo và đức, dù cho sinh thời kiếp đời đã qua đó vẫn còn nhiều nhược điểm. Suy cho cùng những bậc bề trên sau khi khuất núi thường được coi như thần linh của con cháu, mà người Việt đã từng nhận thức về thần linh như sau: “Anh tú của đất trời là sông núi, Anh tú của sông núi là thần linh…”, như vậy thần linh là vẻ đẹp thánh thiện của con người, có khả năng đem ân huệ đến cho đời.
Chính vì những điều đó người Việt đã “kính thần như thần tại”. Trong nhận thức xưa, người Việt chưa có ý thức đẩy thần linh lên cao, thần luôn tồn tại cùng thế gian, đặc biệt là Ông, Bà, Cha, Mẹ… đó là một thế lực tinh thần đảm bảo sự an toàn về mặt tâm linh cho mọi con người trên đất Việt. Tuy nhiên, việc ứng xử với thần linh, không phải nhận thức của mọi người trong cộng đồng đều nhất loạt như nhau, mà lệ thuộc vào thành phần giai tầng, vào học thức, vào tôn giáo, tín ngưỡng và cả sự giàu nghèo nữa.
Do hoàn cảnh nghèo đói, nên ngay tại quê hương gốc, họ cũng không có điều kiện để tiếp xúc với những hệ tôn giáo lớn như Phật giáo, Nho giáo, thậm chí không có cả điều kiện tham gia vào sinh hoạt tín ngưỡng dân gian truyền thống như “Đạo Mẫu”… và hành trang tinh thần, gắn với tư tưởng của họ, đem theo vào vùng đất mới, chủ yếu chỉ có một tục thờ cúng gia tiên, Ông – Bà mà thôi.
Tới nay, nhìn chung bàn thờ gia tiên của khắp mọi miền đất nước đều xuất phát từ một tinh thần tương đồng, lấy ý thức tôn sùng làm trọng và ít nhiều vẫn tùy thuộc vào kinh tế của từng gia đình mà bàn thờ gia tiên thể hiện đơn giản hoặc phức tạp khác nhau.
Có thể lấy những bàn thờ phổ biến của những gia đình ít nhiều chịu ảnh hưởng của đạo Phật và tín ngưỡng dân gian phổ biến làm ví dụ. Quan niệm chung nhất của người xưa và nhiều gia đình còn “nền nếp” hiện nay thường cho rằng gia tiên là thần linh của chính dòng họ và gia đình đó, mà trong quan niệm chia vũ trụ làm ba tầng thì thần linh thường ở tầng trên, nơi thiêng liêng gắn với bầu trời, vì thế bàn thờ cũng là một biểu tượng của bầu trời tinh khiết, về nguyên tắc nơi đây phải được thanh tịnh và mang tư cách nơi để thông tam giới, để con người làm lễ thông linh. Vì thế, người ta thường bày bàn thờ thích hợp với những yêu cầu đó. Cụ thể là, để biểu tượng cho bầu trời thì ở hai góc ngoài của bàn thờ phải có hai cầy đèn hoặc nến để tượng trưng cho mặt trời (đặt phía bên trái bàn thờ) và cho mặt trăng (bên phải bàn thờ). Bát hương ở giữa để tượng trưng cho tinh tú.
Trong quá trình phát triển của tín ngưỡng thì sự hội nhập những yêu cầu tâm linh của con người vào bàn thờ là lẽ tất yếu, nhất là theo ước vọng cầu phúc luôn thường trực của cư dân nông nghiệp nước ta. Họ luôn mong có nguồn sinh khí truyền xuống cho muôn loài sinh sôi, cho cây cối phát triển, cho mùa màng bội thu, nên thông thường trong bát hương bao giờ cũng có một trụ cắm hương vòng. Trụ này như là trục của vũ trụ, cái gạch nối của tầng trên với tầng dưới là con đường chuyển tải sinh khí (nên chỉ có thể chấp nhận là màu dỏ), nhờ đó mà hạnh phức tràn đầy, nên giữa thân cây hương bao giò cũng có chủ Hỷ. Nhiều gia đình giàu có, hay ở nhiều di tích đã nhìn nhận trục vũ trụ này dưới dạng một cây “thiên mệnh” nên đôi khi thay bằng một cành “trầm” hay “kỳ nam” khúc khuỷu.
Trong nhận thức của người Việt cũng như nhiều cư dân trên thế giới xưa kia, người ta đã sớm nhận ra: Hình như có một thế lực siêu phàm nào đó, vô hình, có khả năng chi phối dần thế gian và mọi kiếp đời. Một yêu cầu tâm linh từ thời cổ đại đươc đăt ra là làm thế nào tiếp cận với thế lực siêu hình này. Người xưa không tìm thấy thế lực đó trên mặt đất và ở dưới mặt đất, nên đã có ý thức đẩy lên tầng trên.
Song, con người không thể tự đi lên trời, chỉ tối khi tìm ra lửa và đưa vào sinh hoạt văn hóa người ta mới nhận ra rằng có lửa thì có khói, khói thường bao giờ cũng bay lên, vì thế mới nhờ khói để chuyển những ước vọng của mình lên các đấng thiêng liêng. Cụ thể những người châu Phi và rất nhiều cư dân khác, trong đó có cả người Việt ngày nay thường đốt một đống lửa rất lớn rồi nhảy múa xung quanh (những cư dân thờ mặt trời thường múa tập thể, đi ngược chiều kim đồng hồ).
Trên dòng chảy của văn hóa, dần dần ở phương Đông, với sự kính trọng người ta đã hội vào đèn hương (hương có nghĩa là thơm) để dâng lên thần linh lòng sùng kính tối thượng của mình… Từ đó chúng ta có thê hiểu rằng trong mối giao tiếp với thần linh và gia tiên thì hương lửa là điều không thể thiếu, mà hương nến bắt buộc phải tạo khói mới có khả năng thông linh. Hiện nay do nhận thức vượt ra ngoài truyền thống và không gian tâm linh, người ta đã thay bằng thứ hương nến điện. Có thể coi hình thức này là sự suy lạc của tín ngưỡng và vì đời hơn vì đạo. Có nghĩa hương nến điện chủ yếu để trang trí nhiều hơn là sự kính cẩn và thông linh.
Ở trên trục trung tâm của bàn thờ gia tiên, ngay sau bát hương thường để một chiếc tam sơn dạng như chiếc ỷ có ba cấp chênh lệch. Tam sơn (đỉnh núi ba ngọn) tượng trưng cho gạch nối giữa tròi và đất với ý thức chuyển tải sinh lực từ tầng trên xuông tầng dưới. Trên tam sơn thường đặt ba cái đài đựng ba chén nước trong. Ngưòi Việt vốn dĩ là nông dân, nên rất trọng nước, vì thế ba chén nước trong này vừa là nước thiêng đồng thời củng tượng trưng cho hạnh phúc tràn vào cõi thế (không để rượu hoặc nước chè).
Phía sau tam sơn (với một số bàn thờ của gia đình bình thường), đa số xếp một cái đỉnh ba chân (sau này là đỉnh bốn chân), nắp đỉnh được thể hiện phổ biến hình một con lân trong tư thế nhìn ra. Người xưa quan niệm rằng lân là hiện thân của sức mạnh tầng trên, của sự trong sáng và trí tuệ, nên nó có trách nhiệm kiểm soát tâm hồn kẻ hành hương (kiểm soát lòng thành của con cháu khi đứng trước bàn thờ).
Đỉnh trầm chỉ thiêng nhờ chất liệu bằng đồng hoặc đất nung và khói thơm. Đỉnh phải được đặt một chân đưa ra phía trước, hai chân để phía sau, nhằm biểu tượng cho chính nhân quân tử. Mỗi chân của đỉnh còn được coi là một con “quỳ”, linh vật có đầu giống hổ phù và chỉ có một chân mà thôi. Từ thời Khổng Tử đã đề cập đến linh vật này và cho rằng sự xuất hiện của nó gắn liền với sự xuất hiện của thánh nhân (người tài giỏi, xuất thế cứu đời). Tinh thần này phù hợp với ước vọng truyền đời của người dân Việt, trong ý thức: Phi trí bất hưng; Phi thương bất phú; Phi công bất hoạt; Phi nông bất ổn.
ở một số gia đình khá giả, thường đằng sau chiếc đỉnh có đặt một khám thờ được chạm trổ rất kỹ, khám có mái mui luyện hoặc mái chảy xuống phía sau, mặt trước tạo “cửa võng” theo lối “trướng rủ màn che”, điểm xuyết những đề tài hoa, lá, rồng cùng các linh vật khác… đã tạo thêm sự linh thiêng và vẻ đẹp uy nghi cho bàn thờ. Khám có cửa ở phía trước, hé mở vào ngày giỗ Tết, trong lòng khám thường chỉ để một bài vị chung, hoặc bài vị ông tổ của dòng họ.
Xưa kia, với các nhà thờ họ còn có nhiều bài vị của các tổ nối dòng được đặt ở hai bên, theo thứ tự: thế hệ lẻ ở bên trái, thế hệ chẵn ở bên phải. Cũng có khi, tùy thuộc vào “công lao” mà người nữ đóng góp đôi với dòng họ thì cũng được đặt thờ ở đây. Chẳng hạn từng cặp vợ chồng thì (trong cách nhìn ra) chồng ở bên trái, vợ ở bên phải, còn những người phụ nữ hoàn tông nhân (trở lại họ mình) hoặc bà cô thiêng thì chắc chắn để ở bên phải khám thờ.
Bàn thờ của người Việt còn chịu ảnh hưởng của đạo Phật và tín ngưỡng dân gian, vì thế ở hai bên của chiếc đỉnh, cũng thường được bày theo cách: “đông bình, tây quả”. Có nghĩa là bên trái của đỉnh đồng thường chỉ đặt một chiếc bình không (độc bình). Những người theo Phật giáo cho rằng tuy đây là một điểm nhấn về nghệ thuật ở trên bàn thờ, song ý nghĩa phật triết còn cao hơn, vì nó tượng trưng cho tâm không của nhà Phật, để nói lên bản thể chân như, tức cốt lõi chung của muôn loài, muôn vật. Từ đó đưa tới ý thức đại từ tâm…
Bình này chỉ sử dụng để cắm cành đào ngày Tết với ý thức cho tâm thanh, lòng tĩnh và hạnh phúc tràn đầy. Vì cành đào khúc khuỷu như hình tượng của cây thiên mệnh (cây chứa đầy sinh khí và quyền lực). Hoa đào màu đỏ tương trưng cho sức sống vô biên, cành đào còn mang nghĩa trừ tà ma, giữ yên bình cho con người, cắm trong độc bình có nghĩa như một lời nhắc nhở với những Phật tử: Hãy vén đám mây mù tối tăm che đậy thân tâm thì tự nhiên ánh sáng trí tuệ sẽ rọi tới…
Phía bên phải của đỉnh đồng thường để một mâm bồng thấp đựng quả, tượng trưng cho “ngũ phúc lâm môn”. Gồm Phú: Giàu có, Quý: Sang trọng, Thọ: Sông lâu, Khang: Khỏe mạnh, Ninh: Yên ổn; cũng tượng trưng cho nguồn của cải năm phương đổ về, tạo nên sự trù phú viên mãn. Thông thường đó là nải chuối xanh tượng trưng cho phương Đông, bưởi vàng tượng trưng cho Trung phương, hồng đỏ: Nam phương, lê trắng: Tây phương, một quả sẫm màu: cho phương Bắc, năm quả này tùy theo điều kiện mà có thể thay thế, song màu thì ít thay đổi. Cũng có người nói năm quả tượng trưng cho ngũ hành (trong trường hợp không có đỉnh đồng, mà thay bằng bàn tròn thái cực). Người Việt thường hay kết hợp những ý nghĩa về các loài quả với việc cầu sinh sôi phát triển. Nên cũng hay sử dụng quả có nhiều hạt, nhiều múi, chùm.
Như trên đã nói, bàn thờ gia tiên được coi như tầng trời nên cần phải thanh tịnh. Vì thế đồ lễ đặt ở đây thường chỉ là hương hoa, đăng, đèn, trà, quả, thực, oản, Bàn thờ này không có đồ mặn của trần gian. Về hoa, thông thường cũng thường dể ở hai góc trong hai cành hoa giấy, mà ở trung tâm mỗi cành là một bông cúc cách điệu lớn được bao quanh bởi mười bông cúc nhỏ, bông hoa cúc trung tâm màu vàng, thường đặt bên trái để tượng trưng cho ngày, bông cúc trung tâm màu trắng đặt bên phải tượng trưng cho đêm, các bông cúc nhỏ tượng trưng cho tinh tú. Nhiều gia đình cũng sử dụng hoa tươi để biểu hiện sự thành kính của mình. Song, hoa tươi mang kiếp phù du nên nó ít có vị trí ổn định, tuy vậy nó cũng được đặt ở hai bên bàn thờ sao cho cân xứng.
Vào những ngày giỗ ngày Tết, lòng thành kính của con cháu muốn dâng lên những “kiếp đời đã qua” một số đồ mận, thì các đồ này thường được đặt ở một bàn phụ phía trưóc, thấp hơn bàn thờ chính chút ít. Nhiều gia đình cầu kỳ thường lấy con số chín (là số phiếm chỉ, tượng trưng cho số nhiều, đầy đủ) nên kích thước của mọi bàn thờ dù chính dù phụ, ngang, dọc đều chia hết cho con số chín, người ta tin rằng với con số này thì sức linh của gia tiên ứng cho con cháu được đủ đầy hơn.
Một đặc điểm khác, xuất phát từ bản sắc chung của dân tộc, nhiều gia đình hiểu biết đã đặt bàn thờ gia tiên không theo cách thức của phương Bắc, vì họ cho rằng người phương Bắc gần gũi với yếu tố âm, phương Nam gắn vói yếu tố dương, nên áp dụng cách thức của phương Bắc vào phương Nam thường không thích hợp. Mặt khác, từ cách đây hơn 2000 năm, đời Thương – Chu, sự phân hóa xã hội ở Trung Hoa đã khá mạnh, quyền lực tập trung trong tay lãnh chúa… dẫn đến vai trò của cá nhân có quyền lực được để cao. Còn với người Việt, tính dân chủ tập thể trên nền tảng ruộng đất công vẫn còn tồn tại đến giữa thế kỷ 20, ý thức cộng đồng mạnh hơn ý thức cá nhân (trong đó có ý thức bảo vệ đất nước) nên trong tín ngưỡng của ngưòi Việt ít thấy biểu lộ tính chất vì con người cụ thể nên bàn thờ phải quay hướng cho thích hợp.
Thực tế cho thấy hướng của bàn thờ người Việt xưa nay không lệ thuộc vào bất kể một cá nhân nào với tuổi tác của họ. Nếu có sự không thích hợp về hướng thì người đó cần né tránh đi, dù là trưởng tộc, có nghĩa không thể quay hướng bàn thờ theo tuổi tác của người đang sống. Bàn thờ của người Việt, bình thường được theo hai hướng cơ bản: Hướng Tây hoặc hướng Nam, vì hướng Tây hợp với quy luật của âm dương đối đãi, lúc nào gia tiên cùng ở cùng con cháu, hướng Nam là hướng của Bát nhã, tức nhờ trí tuệ nên diệt trừ được ngu tối, mà ngu tối là mầm mống của tội ác. Vì thế bàn thờ quay hướng Nam là hướng tới thiện căn trên nền tảng trí tuệ. Hướng Nam cũng là hướng của sinh khí, hạnh phúc tràn đầy với mọi sự hanh thông, đồng thời cũng là hướng đề cao thần linh và gia tiên (thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ).
Một đặc điểm khác của người xưa, nhất là đối với nơi thờ tự, người ta thường để bàn thờ sát mặt đất, nền nhà tiếp giáp với bàn thờ hầu như không bao giờ lát gạch, chỉ nện chặt mặt đất dưới nhiều hình thức khác nhau, nhằm mục đích tránh cho âm dương cách trở, để mọi sự hanh thông. Vào khoảng thế kỷ 18 về sau, để tránh sự mốì mọt và ẩm thấp, người ta buộc phải lát nền nhà bằng gạch có khả năng hút ẩm, nhưng dưới bát hương chính thường được để một huyệt lộ đất không lát, hoặc đặt vào đó một phiến đá dày. Tất cả chỉ nhằm mục đích thông tam giới (trời đất và thế gian).
Thông thường người ta chia gian thờ làm ba lớp. Lớp ngoài là bộ phận phản để mọi người đến làm lễ, không đặt phản thì để trống nền nhà, khi cần có thế bày thêm bàn ghế, hay trải chiếu. Lớp thứ hai là hương án, trên đặt bộ đồ “tam sự” hay “ngữ sự” lớp thứ ba ở trong cùng mới thực sự là bàn thờ người đã khuất, trên để khám sơn son, bài vị, hộp hay ống đựng gia phả, khay đựng vật cúng, đài rượu và có thể có ảnh chân dung người quá cố.
Ngoài bàn thờ gia tiên, người ta có che một chiếc màn gọi là ỷ môn. Khi cúng lễ xong, phải bỏ màn xuống để che khuất bàn thờ, để một lát sau mới hạ cỗ bàn. Ý nghĩa của hành động này theo quan niệm xưa “sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, kính mời các vị gia tiên, ông bà về chung hưởng vật phẩm do con cháu dâng cúng. Khi các ngài “ăn uống” phải che màn lại, để người ngoài không nhìn thấy. Ngày xưa, những gia đình giàu có, điền chủ, quan lại, công chức cũ, trong gian dành để thờ tự còn được trang hoàng những bức hoành phi, liền đôi sơn son thếp vàng. Ngoài ý nghĩa trang trí, những thứ bày biện ở nơi đây còn nhằm tăng sự tôn nghiêm, biểu tỏ lòng tri ân của con cháu đối với tiền nhân.
Vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, cùng với sự xâm nhập của kinh tế thị trường, văn hóa phương Tây cũng tràn vào thuộc địa. Hiện tượng đô thị hóa dần dần rõ nét. Đồng thời cũng xuất hiện nhiều ngôi nhà hiện đại theo kiến trúc châu Âu – thường gọi là nhà Tây – của các quan chức, nhân viên làm việc cho Pháp không chỉ thành phố, thị trấn mà cả ở vùng quê. Ở những ngôi nhà này, không gian thờ cúng được bố trí trong những gian phòng, diện tích hẹp. Do đó, đã ra đời một loại tủ thờ được cách tân từ tủ đứng của Pháp, chỉ khác ở chỗ không có hai cánh cửa mở, hay đẩy ở phía trước, mà chỉ có cửa mở ở hai bên hông (có người giải thích cách thiết kế này là nhằm tôn kính gia tiên). Dần dần, kiểu tủ thờ này được “dân tộc hóa” thêm bằng những hoa văn hay hình ảnh mai, lan, cúc, trúc và sang hơn là cẩm xà cừ và được nhiều gia đình khá giả ưa chuộng.
Bàn thờ là nơi thiêng liêng nên người ta không để các thứ lặt vặt, các vật dụng thường ngày trong sinh hoạt lên bàn thờ mà lúc nào cùng phải giữ bàn thờ và đồ thờ được sạch sẽ, uy nghiêm. Và bất cứ trong hoàn cảnh nào, dù túng thiếu đến mấy người ta cũng không đem cầm cố hay bán đồ thờ. Trước mỗi biến cố xảy ra trong gia đình (chẳng hạn như: dựng vợ gả chồng cho con cháu; con cháu chuẩn bị đi thi; làm nhà mới; làm ăn; vợ sinh con; lập được công danh; trong nhà có người đau ốm, có người chuẩn bị đi xa, làm việc lớn…), gia chủ đều khấn vái gia tiên, trước hết là để trình bày sự kiện, sau là để xin sự phù hộ.
Mỗi lần cúng tế, tùy theo các gia chủ nghèo, giàu và tùy những buổi lễ, đồ lễ có thể gồm: rượu, hoa quả, vàng hương, xôi chè, oản, cỗ mặn, có khi thêm đồ vàng mã… và nhất thiết không thể thiếu một chén nước tinh khiết (nước mưa) bởi nước mưa biểu hiện cho sự trong sạch tâm linh trước gia tiên, thánh thần.
Trong những trường hợp cần thiết, đồ lễ có thể chỉ cần một chén nước mưa, một nén hương thắp lên bàn thờ là đủ. Bàn thờ khi làm lễ phải có thắp đèn hay thắp nến. Hương trên bàn thờ bao giờ cũng thắp theo số lẻ (một hoặc ba nén…) và các nén hương phải được cắm ngay ngắn. Khi chân hương trong bát hương đã đầy, gia chủ thắp hương xin phép gia tiên nhổ chân hương, đem hóa thành tro rồi đổ xuống ao hồ. Bàn thờ gia tiên là điểm hội tụ truyền thống tốt đẹp của gia đình, gợi lên một chiều sâu tâm linh “cây có gốc, nước có nguồn”, biểu hiện nếp sống văn hóa biết vun trồng gốc để cây đơm hoa, rồi kết trái ngọt, và từ đó sẽ toả sáng giá trị văn hóa soi cho con cháu bước vào tương lai.
Xem thêm: các mẫu bàn thờ đẹp của Đồ thờ Sơn Đồng dưới đây.
Bàn thờ
Bàn thờ
Bàn thờ
Bàn thờ
Bàn thờ
Bàn thờ
Bàn thờ
Bàn thờ
Bàn thờ
Bàn thờ