Việc tôn tạo mộ tổ và dời mộ tổ

Việc tôn tạo mộ tổ thuộc tâm linh chung của con cháu đối với tổ tiên, dễ được đông đảo bà con trong họ tán đồng nhưng tốn tạo đến mức độ nào?

Quy mô lớn bé ra sao? có nên dời mộ hay không? Nếu dời thì đất đai phương hướng thời gian ra sao. Đó là những vấn đề đang gây sự tranh luận xôn xao trong các dòng họ.

Tôn tạo mộ tổ đến mức nào?

Nếu như có một số gia đình nào đó trong họ làm ăn nên nổi thịnh đạt, họ nghĩ rằng sở dĩ ăn nên làm ra, mở mày mở mặt với thiên hạ là nhờ có ngôi mộ ông tổ đời 4, đời 5, đời 6 v.v… phát phúc. Được tổ tiên phù trì phù hộ nên con cháu phải đền ơn trả nghĩa, xây ngôi mộ vị đó thật to, to hơn cả mộ thuỷ tổ, hoặc các tiên tổ đời cao, hoặc các vị có học vị chức tước cao trong họ. Xây xong thoả tâm linh, con cháu vui vẻ phấn khởi, nhưng người các chi khác hoặc các họ khác trong vùng lại khích bác cho rằng: “Chúng cậy thế có tiền, có đô la nước ngoài gửi về, xây nhà con lớn hơn nhà cha”. Từ đó bình phẩm đến tư cách, tác phong, đức hạnh, phẩm chất, cả những điểu hoạ phúc, rủi may xảy đến đối với từng người (Cho dù không xây cũng không làm sao tránh khỏi mọi điều bất trắc, nhưng xây sai quy cách thì đổ lỗi cho việc xảy mộ rồi quy kết theo định kiến “nhân nào quả ấy”.

Tôn tạo mộ tổ với quy mô rộng hẹp thế nào?

Thời xưa có những ngôi mộ chiếm diện tích rộng bằng cả khu vườn, chẳng ai có ý kiến gì, vì theo chế độ tư hữu ruộng đất. Ngày nay, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, kể cả trên sườn đối, bãi cỏ hoang, cũng không ai được quyền chiếm dụng ruộng đất quá mức quy định của chính quyền địa phương. Trường hợp tiên tổ là danh nhân lịch sử, danh nhân văn hoá được Nhà nước công nhận, thì chính quyền địa phương có trách nhiệm bảo vệ, tôn tạo di tích.

Dưới chính thể phong kiến nước ta thời Trần, Lê, Nguyễn, không phải họ nào có nhiều ruộng đất của cải tiền bạc cứ tha hồ vẽ rồng vẽ phượng, xây lăng mộ, đến miếu trái điển lệ của Triều đình được đâu! Nhà thờ và lăng mộ các vị thần tổ nào khi sống làm quan đến chức tước nào, hàng văn hay võ, đậu đạt ra sao, mới được Triều đình cho phép sắm kiệu, sắm tàn tán vàng, võng lọng xanh, xây cột nanh nghê chầu, tắc môn chạm rồng, chạm hổ… Ai cậy giàu có, cậy khéo tay xây vượt bậc điển lễ đã ban hành đều bị phạt nặng và triệt phá.

Ngày nay, chính thể ta không có lệ cấm đoán, nhưng dòng họ nào cũng còn có các cụ cao tuổi hiểu biết lễ nghi, phong tục. Các cụ khuyên răn con cháu tuân thủ đúng theo điển lễ xưa, nghĩ rằng: Tiên linh ta khi còn sống, ra đinh họp làng xã rất khiêm tốn, bao giờ cũng ngồi đúng hàng chiếu quy định của mình. Không bao giờ leo trèo, bắc bậc. Nay ta thành kính thờ cúng tổ tiên càng phải tôn trọng phong cách tốt đẹp của tổ tiên.

Việc dời mộ

Dời mộ tổ tiên liên quan đến nhiều người, nhiều gia đình trong họ lớn họ bé, nên hết sức phức tạp. Có những gia đình đang làm ăn nên nổi, bỗng có sự rủi ro không giải thích nổi căn nguyên vì sao? Có những cụ già đã mãn chiều xế bóng, theo quy luật tự nhiên: sinh, lão, bệnh, tử là lẽ thường, nhưng tất cả đều đổ lỗi cho việc dời mộ tổ sai huyệt, sai hướng, sai ngày, v.v… Vì vậy chỉ trong trường hợp rất cần dời mới nên dời. Thí dụ, mộ ở chỗ cũ bị sụt lở, bị đào bới, vướng vào công trình xây dựng, giao thông, thuỷ lợi, đê điều, hoặc nằm giữa cánh đồng thuộc quy hoạch cải tạo đồng ruộng của địa phương, hoặc vướng vào chỗ đất trũng, uế tạp v.v… hoặc con cháu đồng lực, đồng tâm dời vào nghĩa trang chung uy nghi hơn, khang trang hơn.

Việc tôn tạo mộ tổ và dời mộ tổ
Xây mới mộ tổ họ

Khi toàn chi họ thống nhất chủ trương dời, mới bàn đến chọn đất, chọn hướng, chọn ngày. Chọn là để biểu hiện sự tôn kính, cẩn trọng, không tuỳ tiện, nhưng đừng quá câu nệ, mù quáng tin theo những lời xằng bậy, “lắm thầy rầy ma”, về đất đai, phương hướng: nếu đưa vào nghĩa trang chung thì miễn bàn cãi, phải tuân theo phương hướng chung, vị trí quy định theo ngôi thứ đã dành sẵn. Trường hợp chôn phân tán, tự chọn đất chọn hướng như thời xưa, thì nay ta không thể răm rắp tuân theo được. Vì thuật phong thuỷ đả bị thất truyền, mộ táng ở đâu thì phát? Ở đâu thì động? Đâu là nơi có long mạch, có rồng chầu hổ phục, phỏng tán, thuỷ tụ? đâu là hướng Chu tước, Huyền vũ, Bạch hổ, Thanh long án ngự? Vậy nên, trong thời đại mới miễn sao trên dưới hoà thuận, nhất là các cụ thúc phụ, huynh trưởng trong họ tán thành là được.

Cử nhân Phan Cự Lương (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ, Hà Tĩnh) có đôi câu đối đề sinh phần viết từ đầu thế kỷ XX đến nay vẫn hợp thời:

“Phúc hay hoạ cũng tự trời, xương kẻ thác sao cầu được phúc.

An hay nguy không tại đất, bụng người còn cứ vững là an”.

Còn việc chọn tháng chọn ngày: “khi tuổi vua, khi tuổi chúa”, tháng thì vướng mệnh ông A, tháng thì phạm tuổi bà B, muôn năm cũng chẳng có ngày nào hợp với cả họ, nếu có xem cũng chỉ nên xem hợp với người chủ sự mà thôi.

Theo tâm linh của dân ta thì mồ mả là vật thiêng liêng, tôn quý nhất. Thành ngữ Việt Nam có câu: “Giữ như giữ mả tổ” có nghĩa là trên đời này không có vật gì quý hoá hơn mả tổ, nên phải bảo vệ hết sức cẩn thận. Ngày xưa lợi dụng tín niệm này, bọn Việt gian bán nước làm chó săn cho địch có những tên có thủ đoạn hèn hạ, dẫn thực dân Pháp đi đào mộ các sĩ phu yêu nước như mộ thân sinh cụ Phan Đình Phùng, cụ Phan Trọng Mưu v.v… hòng lung lạc chí khí bất khuất của các nhà cách mạng. Ngày xưa các nhà quyền quý trong thời gian cư tang làm nhà tạm cạnh mộ để giữ mộ. Có những ông hoàng, bà chúa, sau khi chết hoặc vì có nhiều đồ trang sức, quý giá chôn theo, hoặc sợ bị bùa yểm, sợ bị đào mộ, nén mộ phải chôn giấu, phải khoả bằng, chỉ thân nhân gần nhất mới được biết.

Không những mộ tổ mình được tôn trọng bảo vệ, mà cả mộ kẻ khác, không kể sang, hèn, giàu, nghèo, chết già hay chết trẻ, mới mất hay táng đã lâu đời, có thể đáy mộ chỉ còn nắm đất đen, có con cháu hàng năm tảo mộ hay vô thừa nhận, theo tâm linh của dân tộc, không ai dám xâm phạm. Ai cố ý xâm phạm là thất đức, sẽ di hoạ về sau cho con cháu. Vi theo câu tục ngữ: “Chết trước được mồ mả” nên có người chưa chết cũng phải xí phần bằng cách đắp mộ giả hoặc xây sinh phần (tức là xây mộ khi còn sống). Thí dụ ông mất trước, chôn xong ông, làm sẵn mộ giả bên cạnh để khi bà mất sẵn đất nằm sóng đôi cạnh mộ ông. Trong trường hợp không có nghĩa trang dành riêng cho từng họ, có khi còn phải đắp mộ giả đề phòng kẻ khác chết chôn án ngự trên đầu hay trước mặt cha mẹ mình.

Theo phong tục cổ truyền, khi sống đi làm quan, đi dạy học, hay đi làm ăn buôn bán đâu xa, khi chết cũng đưa về quê cha đất tổ, nếu quê xa không kịp đưa về thì ký táng nơi mất, đến khi cải táng (thay áo) cũng chuyển về mai táng tại quê nhà. Người đàn bà lấy chồng theo chồng sinh cơ lập nghiệp ở chỗ khác, dẫu khi còn sống chưa về quê chồng lần nào, sau khi chết vẫn đem về an táng tại quê chồng. Vì thế tục ngữ có câu: “Sống ỏ quê cha, chết làm ma quê chồng”.

Gia phả họ nào cũng rất chú trọng đến mục ngày giỗ và mồ mả các tiên linh. Phần mộ và gia phả có liên quan chặt chẽ với nhau, vì ngày trước các họ kiêng không ghi tên huý của tiền nhân vào mộ chí mà chỉ ghi vị hiệu, có trường hợp không đặt mộ chí, hoặc mộ chí chôn ngầm trước mộ dưới mặt đất. Vì thế muốn biết mộ ai phải xem gia phả. Do đó có tình trạng một số họ mất gia phả mất luôn cả mộ tổ, chỉ còn một số lưu truyền lại được nhờ trí nhớ của các vị thúc phụ hàng năm đi tảo mộ, nhưng cũng có trường hợp lẫn lộn, nên mới có tình trạng “mồ cha không khóc, khóc tổ mối”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button