Hội đồng thống phủ tôn quan

Sau giá 5 vị Quan lớn chúng ta thường thấy có thỉnh thêm Quan Điều thất và Quan Hoàng Triệu, thực ra theo quan điểm của Giáo hội Hoàng Thiên Tiên Thánh Giáo thì có 5 vị như vậy, Quan đệ Lục, Quan điều thất, Quan điều bát, Quan Hoàng Triệu và Quan đệ thập Bắc Quốc.

Nếu như Ngũ vị Tôn ông là các vị Thống quản trực tiếp các miền Thiên Địa Thủy Nhạc thì các Quan trong Thống phủ Tôn ông làm nhiệm vụ giúp việc cho Bốn phủ Vua cha chứ không quản lí trực tiếp.

Các Quan lớn trong Thống Phủ Tôn quan thường không hay ra ngự đồng.

Quan lớn đệ lục Bố Cái Đại vương: Ngài tên thật là Phùng Hưng, người là thủ lĩnh cầm đầu cuộc khởi nghĩa chống lại sự cai trị của Nhà Đường, Ngài đánh đuổi giặc phương Bắc.

Xuất thân từ dòng dõi quý tộc ở Đường Lâm, Sơn Tây, Ngài sinh ngày 25 tháng 11, xuất thân cao quý, dung nghi tươi sáng, đặc biệt khí phách hơn người.

Ngài ngự áo đai mạng màu đen chỉ khai quang và ngự tửu, phụ trách công việc cho vua Địa phủ.

Quan lớn Điều Thất: Còn gọi là Quan Điều Đào Tiên, ngài là thủ phủ đền Đồng Bằng, là con trai thứ bảy của Đức Vua Cha Bát Hải. Ngài là vị văn quan được giao nhiệm vụ biên sổ, coi giữ kho tàng ở Thủy cung, trông coi nội điện của Vua Cha.

Khi xưa Ngài theo đức Vua Cha phù giúp Hùng Vương đánh giặc, khi hoàn thành nhiệm vụ Ngài liền hóa ngay. Quan Điều Thất không giáng trần nhưng Ngài vẫn thường hiển linh phù giúp dân nước nên nhân dân lập đền thờ, các triều đại có sắc phong, Đền Ngài là đền Công Đồng (hay còn gọi là đền Quan Điều Thất) ở Thái Bình gần đền Đức Vua Cha Bát Hải.

Ngài ngự đồng mặc áo đai mạng đỏ, tấu hương khai quang và phất cờ (có thể cờ là khăn tấu).

Quan lớn Điều Bát: Là Quan lớn thứ tám nhưng ít ai biết đến Ngài. Ngài được coi sóc nội phủ của Vua Cha Nhạc phủ.

Hiện thân là một nhân vật lịch sử xuất hiện khá muộn, là danh tướng và nhà khai khẩn thời Nguyễn. Ngài tên là Thạch Duồng (Duông) người Khơ me Trà Vinh, dưới thờ chúa Nguyễn Phúc Khoát.

Thời trẻ Ngài được xung vào làm gia thân cho phủ Chúa Nguyễn, Chúa Nguyễn thương lắm nên cho họ Chúa, đặt tên là Nguyễn Văn Tồn. Ngài cùng Nguyễn Ánh bình định Thiên hạ. Khi Nguyễn Ánh lên ngôi, Ngài được trao phó làm Trưởng quản thủy quân và trấn giữ luôn hai vùng Trà Vinh và Mân Thít, giúp dân khai khẩn đất hoang, cấy cầy làm lụng,

Năm 1810 Ngài cùng Thoại Ngọc Hầu chiến đấu với quân Xiêm ở Cao Miên, thắng trận ông ở lại giúp vua Cao Miên trị quốc.

Năm 1819 Ngài được phong là Thống Chế Điều Bát, thời điểm đó Ngài cùng với Thoại Ngọc Hầu đào kênh Vĩnh Tế. Ngày 4 tháng giêng năm Canh Thìn Ngài mất. Vua sắc phong cho Ngài “Trung đẳng thần hàm ân Trung Dũng Thiên trực Thống chế Điều Bát”.

Gần như các Thanh đồng không biết đến, vì Ngài hầu như không giáng đồng.

Quan lớn Triệu Tường: Ngài tên thật là Nguyễn Hoàng, người làng Gia Miêu, Tống Sơn, Thanh Hóa. Sinh ngày Bính Dần, tháng 8 năm Ất Dậu. Cha Ngài là Nguyễn Kim người có công lập Lê Trang Tông khởi đầu của nhà Lê Trung Hưng.

Khi triều đình rối ren, anh trai bị hãm hại, thấy tình hình vậy cùng với tài trí nhìn nhận, Ngài mới nói với Trịnh Kiểm xin Vua Lê cho Ngài vào trấn thủ vùng Thuận Hóa. Vua đồng ý, về Thuận hóa Ngài chiêu binh mộ sĩ, vỗ về quân dân, thu dùng hào kiệt, giảm thuế giảm sưu, dân chúng ai cũng mến phục.

Vua Lê phong cho làm Thái Úy Đoan Quốc công, Ngài còn giúp nhà Lê đánh đuổi nhà Mạc lên tận Cao Bằng. Ngài và các thế hệ con cháu của mình đã liên tục mở rộng bờ cõi về phương Nam.

Ngày mùng 3 tháng 6 năm 1613 Ngài mất. Ngài chính là nhân tố đầu tiên khởi thủy cho Vương triều nhà Nguyễn sau này. Các vua Nguyễn suy tôn là Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế.

Đền thờ Ngài được lập ở nơi ông đóng hành dinh của mình đó là đền Triệu Tường (Đền Quan Triệu) ở Tống Sơn, Thanh Hóa, núi Triệu Tường.

Quan lớn Triệu Tường ngự đồng mặc áo đai mạng màu vàng, tấu hương, khai quang rồi múa cờ.

Quan lớn Bắc Quốc: Quan Bắc Quốc là người Trung Quốc họ Tống, ông sinh vào cuối thời nhà Minh đầu thời nhà Thanh.

Khi nhà Thanh cướp ngôi của nhà Minh, Ngài theo phong trào “Phản Thanh phục Minh”. Khi phong trào này bị dập tắt, Ngài chạy sang vùng Lào Cai Bảo Hà cùng quân dân Đại Việt đánh giặc Thanh.

Theo như Thần tích thì Ngài là con trai thứ 8 của Vua Cha Bát Hải giáng sinh bên Tàu nhưng lại về Việt Nam phù dân cứu quốc.

Ông được thờ ở đền Trình Vua Cha Bát Hải. Khi ngự đồng ông mặc áo dài kiểu Tầu, tóc búi tó. Ông cũng rất ít khi giáng đồng.

Trên đây là nội dung mà Đồ thờ Sơn Đồng chia sẻ, để củng cố thêm về thông tin các bạn có thể bình luận góp ý, trao đổi thêm những kiến thức cá nhân để làm giàu thêm nội dung của bài viết. Trân trọng!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button