Sớ là gì? Thể thức và bố cục của lá sớ

Sớ là gì? Đây là một loại văn bản cổ dùng để trình bày ước vọng của người dưới dâng lên bề trên mọng được y chuẩn. Sớ thường được viết bằng chữ Hán Nôm.

Sớ là gì? Thể thức và bố cục của lá sớ
Lá sớ cúng thổ Công, thần Tài, tổ tiên, bà Cô ông Mãnh

Ngày nay, sớ cũng được viết bằng chữ Quốc Ngữ. Vì là một loại văn bản hành chính nên sớ cũng có những quy định thể tài chặt chẽ.

Ứng dụng của sớ rất rộng rãi, nhưng thời nay chỉ còn sử dụng trong việc cúng lễ (cùng với các loại công văn khác như Quan, Đơn, Trạng, Hịch…). Mỗi khoa cúng khi hành trì đều có đoạn phải tuyên sớ, khoa cúng nào có loại sớ đó, riêng trong việc cúng lễ thôi cũng có tới vài trăm loại sớ. Ngoài việc gắn liền với các khoa cúng, thì trong sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng người ta cũng hay sử dụng sớ khi tự thân lễ lạt nơi đền chùa miếu mạo, bởi người ta quan niệm sớ là một loại đơn từ giấy trắng mực đen gửi lên các đấng siêu hình, mong các ngài ban cho được sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm, sớ thay cho lời khấn khi đi lễ, nên trên mâm lễ vật có tờ sớ thêm phần tố hảo, viên mãn.

Thể thức một lá sớ như nào?

Để phân biệt sớ với các loại công văn khác:

– Bắt đầu lá sớ bao giờ cũng có hai chữ “phục dĩ” và dòng cuối cùng thì hai chữ trên đầu ghi là “thiên vận”

-Sớ được thiết kế văn bản theo thể thức sau:

1. Phần giấy trắng (tức là lưu không- ngày nay gọi là canh lề) đầu tờ sớ rất hẹp (cỡ vừa 1 ngón tay), cuối tờ sớ bằng “nhất chưởng” tức khoảng rộng tương đương 4 ngón tay, như thế gọi là “ tiền lưu nhất chưởng, hậu yêu không đa”.

2. Lưu không Trên đầu tờ sớ rất rộng, chân tờ sớ thì rất hẹp chỉ vừa cho con kiến chạy – “thượng trừ bát phân, hạ thông nghĩ tẩu”.

3. Các cột chữ rất thưa nhưng khoảng cách chữ lại rất mau – “sơ hàng mật tự”.

4/ Một chữ không bao giờ được đứng riêng một cột – “nhất tự bất khả nhất hàng”.

5. Khi viết họ tên người phải đứng cùng 1 cột – “bất đắc phân chiết tính danh”

Bố cục lá sớ

Kết cấu một lá sớ thông thường gồm các phần theo thứ tự dưới đây:

1. Đầu tiên sau hai chữ “phục dĩ”, đa số các tờ sớ có phần phi lộ, thông thường là một câu văn biền ngẫu viết theo thể phú, nội dung có liên quan tới lá sớ. Ví dụ lá sớ thông dụng mà ta quen gọi là “sớ phúc thọ”

Thì mở đầu bằng câu “Phúc Thọ Khang Ninh nãi nhân tâm chi kỳ nguyện…”

2. Phần ghi địa chỉ: Phần này tiếp theo lời phi lộ, được mở đầu bằng hai chữ “viên hữu” tiếp theo là “việt nam quốc, tỉnh, huyện, xã thôn. Tiếp theo là hai chữ “y vu” hoặc “nghệ vu” ở cuối hang địa chỉ. Đầu cột tiếp theo là ghi nơi tiến sớ, ví dụ: “….linh từ”.

3. Phần nêu lý do dâng sớ: Phần này được mở đầu bằng hai chữ “thượng phụng” nằm dưới tên đền, chùa của phần 2. Đầu cột tiếp theo đa phần là mấy chữ “Phật, Thánh hiến cúng …..thiên tiến lễ……” . Kết thúc là chữ “sự”. Chú ý trong sớ, tất cả các chữ Phật, Thánh, hoặc hồng danh của các ngài đều phải viết tôn cao thêm bằng 1 chữ.

4. Phần ghi họ tên người dâng sớ: Phần này được mở đầu bằng câu: “kim thần tín chủ (hoặc đệ tử)” tiếp theo viết họ tên người dâng sớ, có vài loại sớ thì ghi thêm cả tuổi, bản mệnh, sao gì, cung bát quái nào… (ví dụ sớ cúng sao đầu năm). Nếu sớ ghi nhiều người, hoặc thay mặt cho cả gia đình thì bao giờ cũng có chữ “đẳng”. ví dụ “hiệp đồng toàn gia quyến đẳng”. Kết thúc phần này là mấy chữ: “tức nhật mạo (hoặc ngương) can”… Mấy chữ này, cùng hai chữ “y vu” ở trên nhà in sớ không in mà người viết phải tự điền vào. Lý do là mấy chứ đó có thể thay đổi cho phù hợp hơn hoặc văn vẻ hơn theo sở học của người viết sớ.

5. Phần tán thán: Ở phần này là những câu văn giải thích rộng hơn lý do dâng sớ. Kết thúc phần này là câu “do thị kim nguyệt cát nhật, sở hữu sớ văn kiền thân thượng tấu”

6. Phần thỉnh Phật Thánh: Phần này mở đầu bằng 2 chữ “cung duy” tiếp theo là Hồng danh của các ngài. Dưới mỗi hồng danh là các chữ “tòa hạ” dành cho Phật, “vị tiền” dành cho Thánh, Thần cùng các bộ hạ các ngài. Đôi khi với các vị Tiên thì dung “cung khuyết hạ”

7. Phần thỉnh cầu: Phần này được mở đầu bằng hai chữ “phục nguyện”. Tiếp theo là đoạn văn biền ngẫu (thường là rất hay) nói về sự mong mỏi được các bề trên ban ân huệ cho bản thân và gia đình. Kết thúc bằng câu “đãn thần hạ tình vô nhậm, kích thiết bình doanh chi chí, cẩn sớ.

8. Phần cuối cùng, là ghi năm tháng ngay (có khi cả giờ). Kết thúc bằng mấy chữ “….thần khấu thủ thượng sớ”.

Trình sớ – Dâng văn

Con nam mô a di đà Phật (3 lần)

Hai tay dâng lá sớ hồng

Dâng lên Tam Bảo hội đồng chứng minh

Chúng con lễ bạc tâm thành

Thế gian không biết lỗi lầm là đâu

Vậy nên viết sớ lên tâu

Viết sớ làm điệp mà tâu cho tường

Tâu lên đến cửa Trang Vương

Tâu lên cho tường vào cửa Vua Cha

Sớ bay như bướm như hoa

Sớ bay vào cửa Vua Cha Ngọc Hoàng

Sớ con có xóm có làng

Có tên có tuổi, họ, hàng con ghi

Sớ này Trời Phật xét cho

Xét trong Hạ giới rất là công minh

Sớ này tấu đến Thiên Đình

Cầu cho Tín chủ khang ninh Thọ trường

Cầu cho hai chữ bình an

Sáu chữ ” Thọ trường, mạnh khỏe sống lâu ”

Vậy con đội sớ lên tâu

Đội sớ lên đầu trình Phật Thích Ca

Con trình Đức Phật Di Đà

Con trình cả Đức Phật Bà Quan âm

Trình lên Tam phủ công đồng

Tứ Phủ hội đồng, giở sổ chép biên

Sớ bay lên Cừu trùng Thiên

Nam Tào Bắc Đẩu, ghi tên rõ rành

Tâu Vua Đế Thích Thiên Đình

Đề người đệ sớ trình lên tam tòa

Nam mô chứng minh sư bồ tát ma ha tát (3 lần)

Bài viết này được đăng trong Tin tức và được gắn thẻ .

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button