Tản mạn về tục thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam và thế giới

Tục thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam đã có từ ngàn đời. Mà không chỉ mỗi ở Việt Nam mà ở trên thế giới cũng có truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn này.

Ca dao Việt Nam có câu:

“Con người có tổ có tông

Như cây có cội, như sông có nguồn”

Câu ca dao ngày nào vẫn được bọn trẻ ê a đánh vần trong những buổi học đầu đời. Biết bao thế hệ trôi qua và biết bao thế hệ lại đến, tất cả đều được dạy cách làm người, cách sống một cuộc sống trọn đạo với đạo đức gia đình, với truyền thống thờ tổ tiên. Thời cuộc dẫu có thăng trầm dâu bể, bia đá dẫu có mòn, vật có thể đổi, sao có thể dời, truyền thống ấy vẫn tồn tại.

Bất chợt có ai đó chợt hỏi rằng, người Việt Nam ta thờ tổ tiên ông bà tự khi nào, câu trả lời tất nhiên sẽ là “lâu rồi, lâu lắm rồi nên không nhớ nỗi”. Thuở lập quốc, con cháu dòng dõi Lạc Long Quân – Âu Cơ đã gầy dựng nên truyền thống ấy, bao lớp sóng dâng rồi hạ, bao binh biến đi qua rồi hòa bình trở lại, truyền thống ấy vẫn ngày một đơm hoa kết trái, được Nguyễn Đình Chiểu khẳng định chắc nịch trong thơ Lục Vân Tiên:

“Thà đui mà giữ đạo nhà

Còn hơn sáng mắt ông cha không thờ”

Không phải chỉ có người Việt Nam mới có tục thờ cúng tổ tiên, tục thờ này hầu như có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Qua trường kì lịch sử nhân loại, tục thờ trải qua những biến đổi nhất định, ở cả nội dung và hình thức, cho đến nay vẫn tồn tại ở nơi này nơi khác, ở dạng này hay dạng khác.

Tản mạn về tục thờ cúng tổ tiên ở Việt Nam và thế giới
Phong tục thờ cúng của người Việt

Nhìn trên bản đồ văn hóa thế giới, chúng ta có thể phân tục thờ cúng tổ tiên ra hai phong cách Đông – Tây với những điểm khác biệt tương đối. Phong cách phương Đông có trọng tâm ở vùng Đông Nam Á nông nghiệp lúa nước, phía bắc lên đến Trung Hoa và phần còn lại của Đông Bắc Á, phía đông qua vùng biển Tây Thái Bình Dương (Polynesia, Micronesia, Melanesia…), còn phía tây xuyên qua Nam Ấn đến tận Ai Cập cổ đại và vùng châu Phi nhiệt đới (hạ Sahara). Thứ hai là nhóm văn hóa phương Tây Kitô giáo có trọng tâm nằm ở châu Âu. Giữa hay nhóm này có một nhóm trung gian kết nối cả hai phong cách nằm ở khu vực Trung – Nam Mỹ và các quốc gia phương Đông chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa phương Tây.

Ở nhóm thứ nhất, tục thờ cúng tổ tiên là sợi dây thiêng kết nối ba chuỗi thời gian quá khứ – hiện tại – tương lai của từng gia đình, trong đó giá trị đạo đức từ quá khứ sẽ là tiêu chí cho cuộc sống hiện đại và là nguồn sống của tương lai.

Nói về tục thờ này ở Việt Nam, một trang web nước ngoài viết “thờ cúng tổ tiên ông bà là tín ngưỡng gốc xuyên suốt quá trình lịch sử Việt Nam, nó là sợi dây liên kết rắn rỏi để góp phần cột chặt tính thống nhất toàn dân tộc và cũng là cội nguồn của các phong tục, tín ngưỡng khác”. Nhà dân tộc học người Nga G.G. Stratanovich cũng có cách nhìn nhận tương tự. Người Việt Nam dù theo Phật giáo, Đạo giáo hay Kitô giáo, nhất thể đều thờ cúng tỗ tiên. Đó là một phần máu thịt vẫn ngày đêm rong ruổi trong huyết quản để nuôi sống cả cơ thể đạo đức gia đình.

Người Việt Nam và các nước phương Đông coi trọng ngày mất và ngày giỗ của tổ tiên, thể hiện của tinh thần coi trọng quá khứ và di sản từ quá khứ. Có hai ý nghĩa lớn hình thành nên đạo thờ này ở phương Đông, một là quan niệm chữ hiếu đối với thế hệ đi trước, qua các nghi lễ thể hiện mong muốn ông bà tổ tiên có một cuộc sống tốt đẹp ở thế giới bên kia, bên cạnh họ cũng mong muốn được vong linh tổ tiên che chở, “chỉ đạo” trước những khúc mắc của cuộc sống phàm trần, và hai là ý nghĩa giáo dục dành cho người còn sống.

Đạo thờ ông bà gắn liền với chữ hiếu. Hơn ai hết từ thưở bé thơ chúng ta đã được kể chuyện một người đàn ông toan chở mẹ già bỏ vào rừng sâu cho rảnh việc lại bị chính con trai mình học cách để sau này cũng đẩy chính anh ta vào rừng. Vậy đó, đạo hiếu Việt Nam vẫn còn nguyên giá trị, vẫn là bài học lớn đến nỗi cả đời chúng ta vẫn không thể học hết. Ở tầm cao hơn, đạo hiếu trong gia đình chỉ là tiểu hiếu, còn đạo hiếu với non sông, giống nòi mới là đại hiếu. Mỗi người con đất Việt đều phải học sóng đôi hai chữ tiểu hiếu, đại hiếu thiêng liêng này.

Giống như người Việt Nam, vào ngày cúng tổ tiên, người Trung Hoa cũng bày mâm cỗ, hoa trái và đốt vàng mã và một số vật dụng bằng giấy với hy vọng người đã khuất sẽ được hưởng thụ hoặc sẽ nhận được ở kiếp sống bên kia. Người Dayak (đảo Borneo), người Toraja (đảo Sulawesi) ngày nay vẫn giữ tục thờ tổ tiên và cúng tế truyền thống. Người Nhật, người Triều Tiên vẫn coi phong tục này là một di sản quý báu cho tương lai dù đã có nhiều thay đổi. Người Ai Cập cổ đại với niềm tin tái sinh – bất tử của linh hồn luôn coi việc thờ tự người đã khuất là một phần trách nhiệm trong đời sống tâm linh của mỗi gia đình. Với hầu hết các dân tộc phương Đông, thế giới hôm qua là một phần quan trọng không thể thiếu cho xã hội hôm nay và ngày mai.

Đạo thờ ông bà còn là một sợi dây linh thiêng gắn kết gia đình, dòng tộc, qua đó mỗi thành viên đều được giáo dục đạo đức truyền thống gia đình. Ý nghĩa ấy phần nào thể hiện tính cộng đồng vốn có trong văn hóa nông nghiệp phương Đông.

Vào bất kì một gia đình người Việt nào, cái đập vào mắt đầu tiên chính là bàn thờ tổ tiên đặt ở vị trí trang trọng nhất. Ngày lễ tết, ngày tế tự hay các dịp hiếu hỷ khác, con cháu quây quần trước là kính cẩn vong linh ông bà tổ tiên, sau là sưởi ấm quan hệ gia đình, dòng họ. Vong linh ông bà tổ tiên nơi chín suối kia có biết được tấm lòng hiếu thảo của con cháu hay không là điều nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta, song giá trị đọng lại trong nhận thức của từng thành viên là vô cùng quý giá.

Cũng như vậy, người Trung Hoa, người Nhật Bản và người Triều Tiên dù bận rộn đến mấy cũng thu xếp thời gian về với gia đình trong ngày kỷ niệm tổ tiên. Một số dân tộc Đông Nam Á coi ngày tế tự ông bà là ngày hội gia đình, có khi mở rộng ra cả làng bản. Cư dân vùng Trung Phi tự tay nấu lấy những món ăn ngon nhất mà sinh thời ông bà tổ tiên thích ăn bày quanh mộ phần người đã khuất. Sau cúng tế, mọi người quây quần cùng ăn với nhau trong một không gian thực sự ấm cúng. Người Polynesia tụ tập nhảy múa, đánh trống khua chiêng trong ngày giỗ tổ tiên với hy vọng linh hồn người chết sẽ quay về cùng hòa vào không khí chung như những thành viên thực sự. Một số nơi vùng Nam Ấn nay vẫn giữ tục thờ trong gia đình.

Ở nhóm thứ hai, tục thờ cúng tổ tiên ở thế giới phương Tây tương đối nhẹ nhàng, chủ yếu là lưu lại kỷ niệm của người đã khuất, thể hiện lời tạ ơn đối với những người đi trước. Đối với họ, muốn đến tương lai phải hướng về phía trước.

Không thể nói người phương Tây không có tục thờ tổ tiên. Tục thờ là một dạng tín ngưỡng dân gian, hiện diện bên trong từng gia đình dưới những hình thức khác nhau mà không có một quyển kinh sách nào quy định, do vậy không có một ranh giới rõ ràng giữa tục thờ này với các tín ngưỡng khác. Lịch sử đã chứng minh châu Âu cổ đại đã từng có tục thờ tổ tiên tại gia trước khi có những biến đổi lớn do tác động của quan niệm tư tưởng xã hội. Người La Mã xưa là một ví dụ, họ có tục lập bàn thờ tổ tiên trong nhà dù chưa phải là một hiện tượng cộng đồng. Từ thời trung cổ đến nay, các dân tộc châu Âu và sau này cả vùng Bắc Mỹ vẫn duy trì tục Ngày các linh hồn vào ngày 2/11 hàng năm ngay sau Ngày các thánh (1/11). Người Đức, người Áo thường đến nghĩa trang thắp nến cầu nguyện. Người Tây Ban Nha, người Mỹ cũng có các hoạt động tương tự. Trong các dịp lễ hội mang tính tôn giáo khác như Lễ phục sinh, Lễ Giáng sinh v.v. người ta vẫn dành những khoản thời gian nhất định để cầu nguyện, để tưởng nhớ người đã khuất. Người Ireland thì có hẳn ngày Samhain (tiền thân của lễ Halloween ngày 31/10) riêng của họ theo lịch Celtic. Đối với người phương Tây, việc thờ cúng tổ tiên vẫn thể hiện quan niệm chữ hiếu, vẫn chuyển tải thông điệp giáo dục đạo đức gia đình, song các giá trị ấy không phải là tất cả hành trang để mang vào tương lai. Đối với họ, ngày hôm nay khác ngày hôm qua, và ngày mai cũng phải khác ngày hôm nay. Chuỗi đời luôn là sự phát triển bất tận, trong đó vai trò cá nhân ở từng thời điểm rất được coi trọng. Đã từ lâu rồi, người phương Tây không còn giữ hình thực cúng giỗ, và nếu có cũng chỉ mang tính hình thức tự phát.

Nằm giữa hai phong cách ấy là thế giới của sự pha trộn giữa tín ngưỡng bản địa và truyền thống Kitô giáo. Người Mexico bản địa (gốc Aztec), người Honduras, Guatemala (gốc Maya) ngày nay kết hợp cả hai truyền thống ấy trong nghi lễ Ngày của người chết (Day of the Dead) vào hai ngày 1 và 2 tháng 11 hàng năm. Ngày đầu tiên dành cho các linh hồn trẻ em, trong khi ngày thứ hai là để tưởng nhớ người trưởng thành. Trong cả hai ngày, mọi hoạt động cộng đồng đều hướng về người đã khuất. Họ lập bàn thờ có di ảnh người chết, bày lên mâm trái cây cùng các món ăn đặc biệt, bánh kẹo, có cả tiền vàng mã, và đặc biệt là không thể thiếu những chiếc sọ người làm bằng bột bánh hay sô-cô-la. Bàn thờ được giữ nguyên trong một thời gian dài, có khi suốt cả năm. Người dân tụ hợp ca hát, nhảy múa và dành một khoảng không gian, thời gian nhất định cho người chết với suy nghĩ họ cũng đang “tham gia” hăng hái. Nghi lễ này vốn xuất phát từ tục tế Nữ thần Chết Catrina trong tín ngưỡng bản địa, phát triển qua quá trình giao lưu với văn hóa Tây Ban Nha du nhập từ thế kỷ 16. Phong tục Trung Mỹ này cũng được “xuất ngoại” vào châu Âu, hiện có thể được tìm thấy trong phong tục của người Czech, hay sang Thái Bình Dương đến tận New Zealand. Ở lục địa Nam Mỹ, người Brazil, người Peru vẫn có tục tương tự song chỉ mang tính chất địa phương. Phong cách pha trộn này còn hiện diện ở các nền văn hóa phương Đông khác có tiếp xúc với Kitô giáo. Người Philippine, người Hawaii, cùng một số dân tộc ở châu Phi cũng kết hợp truyền thống bản địa với những hoạt động theo nghi thức voodoo (hoặc shaman) với tục Ngày các linh hồn từ phương Tây đến.

Văn hóa thế giới mang tính đa nguyên. Tục thờ cúng tổ tiên cũng mang tính đa nguyên. Có thể mượn hình ảnh hai cây đời đông – tây do học giả người Ấn A.K. Ramanujan đề xuất khi so sánh quan niệm giáo dục đạo đức gia đình Ấn Độ và châu Âu để thể hiện sự khác biệt này. Theo đó, ý nghĩa giáo dục đạo đức gia đình trong truyền thống Việt Nam và phương Đông được tượng trưng bằng hình ảnh một thân cây mọc ngược (gốc ở trên, ngọn trút xuống dư gốc và thân cây ở vị trí cao nhất, phần ngọn cây luôn nằm ở vị trí thấp hơn). Ngược lại, ý nghĩa ấy trong văn hóa phương Tây lại là hình ảnh thân cây mọc thẳng đứng từ dưới đất lên, thế giới hôm qua và hôm nay sẽ là phần rễ và thân cây làm nền tảng cho ngọn cây mọc vụt lên trong không gian. Có thể kiểu ví von này chưa thật sự hoàn chỉnh, song nó vẫn thể hiện một ý nghĩa tương đối.

Mỗi phong cách đều có những điểm mạnh, yếu khác nhau của nó. Trong thế giới của thời đại thông tin hiện nay, những quy luật giá trị trong tục thờ cúng tổ tiên chắc chắn có những thay đổi nhất định, hoặc tích cực hơn, hoặc xấu hơn. Hơn ai hết, người Việt Nam chúng ta phải tỉnh táo để nhận thức đúng vai trò và nhiệm vụ của mình trong việc gìn giữ và phát huy tục thờ truyền thống này, sáng suốt để bổ sung cho những hạn chế do nhu cầu của thời đại mang đến để những thế hệ Việt Nam mai sau luôn sống trong một không gian gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

(Nguồn: Tạp chí Phong cách sống (Lifestyle), 1/2008) 

*Ghi chú: Không gian thờ cúng là nơi thiêng liêng với mỗi gia đình. Chính vì vậy việc thiết kế phòng thờ, không gian thờ cúng là điều mà hầu như ai cũng quan tâm. Dưới đây là một số mẫu phòng thờ mà cơ sở Đồ thờ Sơn Đồng đã thiết kế và thi công:

Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ

Công trình

Gian thờ gỗ gụ

Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ
Liên hệ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button