Thờ cúng Thần Tài từ đâu đến và có mặt ở Việt Nam từ bao giờ là câu hỏi hết sức quan trọng, nhưng chưa được giải đáp thỏa đáng.
Đại đa số các nhà nghiên cứu trước đây khi tìm hiểu Thần Tài Việt Nam đều chỉ đề cập đến loại hình thờ cúng được Hoa kiều ở Phúc Kiến, Quảng Đông đưa đến Việt Nam từ khoảng thế kỷ XVI. Tuy nhiên, như đã đề cập, thờ cúng Thần Tài từng phổ biến lâu đời ở Việt Nam cũng như nhiều nền văn hóa khác, chứ không phải duy nhất có ở Trung Hoa. Nghiên cứu này sẽ từng bước tìm hiểu thờ cúng Thần Tài ở Việt Nam trong sự kết nối với hai nền văn minh ảnh hưởng lớn nhất đến văn hóa Việt Nam là Trung Hoa và Ấn Độ. Qua đó bóc tách các lớp văn hóa giao thoa qua biểu tượng Thần Tài để phân loại các thành tố có nguồn gốc Trung Hoa và Ấn Độ chứa đựng trong mỗi biểu tượng Thần Tài ở Việt Nam.
Thánh Gióng, vị Thần Tài đầu tiên của Việt Nam
Đa số chúng ta có lẽ cảm thấy bất ngờ khi biết rằng, Thánh Gióng có nguồn gốc là một vị Thần Tài. Bởi vì, hầu hết người Việt Nam biết đến vị thần này như một vị anh hùng dân tộc có công đánh giặc Ân bảo vệ đất nước; hội Gióng là một trong những lễ hội lớn nhất Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa Thế giới năm 2011; tượng Thánh Gióng trên Núi Sóc là một trong những pho tượng đồng cao nhất, lớn nhất và đắt tiền nhất Việt Nam, v.v… Những thông số đó hầu như lấn át những gì liên quan đến nguồn gốc của Thánh Gióng. Bỏ qua hiện tượng vô thức tập thể (collective unconscious – thuật ngữ của Carl Jung12) với việc mặc nhiên công nhận các truyền thuyết hư cấu về Thánh Gióng (từ một cậu bé lên ba ở làng Phù Đổng sau khi ăn “bảy nong cơm, ba nong cà” bỗng chốc biến thành người khổng lồ cưỡi ngựa sắt biết chạy,…13), nghiên cứu này muốn tìm hiểu nguồn gốc của Thánh Gióng dựa trên các cứ liệu cụ thể và các biểu tượng văn hóa trong quá trình biến đổi của chúng.
Tư liệu thành văn đề cập đến nguồn gốc Thánh Gióng ở Việt Nam từ trước đến nay có khá nhiều. Tuy nhiên, tư liệu đề cập đến nguồn gốc của Thánh Gióng thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Loại trừ các truyền thuyết được hư cấu về nguồn gốc Thánh Gióng gần đây thì Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh và Lĩnh Nam chích quái là những tư liệu cổ nhất đề cập đến nguồn gốc Thánh Gióng. Những cứ liệu thành văn này ghi lại nguồn gốc Thánh Gióng liên quan đến Đa Văn Thiên hay Kubera với các thông tin như sau: Việt điện u linh đề cập đến việc Lý Thái Tổ ban hiệu cho vị thần ở chùa Kiến Sơ, bộ Vũ Ninh (nay là làng Phù Đổng, Hà Nội) hiệu là Xung Thiên Thần Vương. Thiền uyển tập anh ghi lại câu nói của một vị thần (Thánh Gióng) với Đại sư Khuông Việt rằng: “Ta là Tỳ Sa Môn Thiên Vương, những người theo ta là Dạ Xoa. Thiên Đế có sắc sai ta đến nước này để giữ gìn biên giới, khiến cho Phật pháp thịnh hành. Ta có duyên với ngươi, nên đến đây báo cho ngươi biết”. Trong Lĩnh Nam chích quái có đoạn: “Sau vua Lý Thái Tổ phong làm Xung Thiên Thần Vương lập miếu thờ ở Phù Đổng”. Ngoài ra, trong Đại Nam nhất thống chí và nhiều bộ sử ngày nay ít nhiều dẫn lại sự tích Thánh Gióng theo các tài liệu cổ ở trên hoặc các thần tích, thần phả được sáng tác rất muộn sau này.
Như vậy, vị thần có tên là Tỳ Sa Môn/ Tỳ Sa Môn Thiên Vương/ Xung Thiên Thần Vương trong các tác phẩm nói trên là chứng cứ thành văn cụ thể về nguồn gốc Sóc Thiên Vương/ Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng hiện nay. “Từ một thần linh Ấn giáo, Tỳ Sa Môn trở thành hộ pháp trong Phật giáo Ấn Độ, thần bảo vệ thành phố và tự viện trong tôn giáo Trung Hoa. Cuối cùng, ở Việt Nam, Tỳ Sa Môn lại trở thành hộ pháp giúp Việt Nam đánh đuổi quân Trung Hoa. Những dữ kiện trên chứng thực một nguyên lý về tôn giáo bình dân rằng, thần linh phải (được) thay đổi để phù hợp với nguyện vọng của tín đồ. Còn nếu như hoặc vì thiếu động lực sáng tạo hoặc không đủ thành tố để thúc đẩy sự thay đổi thì thần linh sẽ không còn được thờ phượng nữa”14. Rõ ràng, biểu tượng Tỳ Sa Môn được biến hóa trong văn hóa Việt Nam15 để trở thành Thánh Gióng, một vị thần bảo hộ Phật pháp và bảo vệ bờ cõi của nhà Lý. Như vậy, có thể khẳng định, biểu tượng Thánh Gióng hay Phù Đổng Thiên Vương là một phiên bản của Sóc Thiên Vương, Xung Thiên Thần Vương, Tỳ Sa Môn Thiên Vương, Đa Văn Thiên Vương vốn bắt nguồn từ Vaisravana hay Kubera, vị Thần Tài nguồn gốc từ Ấn Độ.
Biểu hiện của Thần Tài trong văn hóa Việt Nam
Dễ dàng nhận thấy, thờ cúng Thần Tài và nhu cầu cầu tài lộc là một trong những nhu cầu phổ quát trong xã hội loài người. Có thể nói, ở đâu tồn tại sinh kế thì ở đó có nhu cầu về tài lộc. Tài lộc hiển nhiên là một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong đời sống của con người.
Lướt qua một vài nền văn hóa ở Châu Á, chúng ta có thể thấy vô số dạng thức thờ cúng Thần Tài. Có lúc, sự thờ cúng này là biểu tượng độc lập như Kubera trong văn hóa Ấn Độ, Tamonten trong văn hóa Nhật Bản, Thần Tài trong văn hóa Việt Nam hay Damuncheon trong văn hóa Hàn Quốc, nhưng có lúc lại được lồng vào trong các dạng thờ cúng khác qua một số cụm biểu tượng như Tam đa trong văn hóa Việt Nam hay Shichifukujin (bảy vị phúc thần) trong văn hóa Nhật Bản,… Chỉ khi một biểu tượng thần tài lộc được chính thức hóa về tên gọi, thì khi đó, chúng ta mới có một vị thần cụ thể có tên riêng là Thần Tài.
Ở Việt Nam, thờ cúng Thần Tài từng tồn tại một cách mơ hồ, lúc ẩn lúc hiện ở nhiều dạng thức khác nhau (với quan niệm về một vị thần mang đến may mắn trong văn hóa các tộc người Việt, Mường, Tày, Thái,…) quan niệm về tài lộc lẫn trong thờ cúng các vị thần núi, thần nước, thần lúa, thần đất, thần rừng, thần cây. Có lẽ, ở giai đoạn sơ khai, các tộc người sinh sống trên đất nước Việt Nam chưa thịnh việc buôn bán (chỉ là sự trao đổi ở dạng hàng đổi hàng như “măng le gửi xuống cá chuồn gửi lên”) nên chưa cần một vị Thần Tài cụ thể. Khi những luồng văn hóa có tính bác học từ Ấn Độ và Trung Hoa du nhập, nền văn hóa bản địa Việt Nam đã tiếp thu ngay những tinh hoa văn hóa từ các nền văn minh đó. Bên cạnh việc tiếp thu các thành tố văn hóa mang tính hàn lâm như văn học, nghệ thuật, cư dân bản địa Việt Nam cũng tiếp thu thêm một thành tố văn hóa mới (so với bối cảnh lúc đó) đó là văn hóa kinh doanh.
Dễ nhận thấy những vị ngoại thần chủ về tài lộc như Kubera, Bỷ Can, Phạm Lãi được văn hóa bản địa Việt Nam đón nhận một cách dễ dàng và không có sự xung đột (như giữa Phật giáo và Đạo giáo khi Phật giáo du nhập vào văn hóa Trung Hoa). Điều đó cho thấy, người Việt tiếp thu văn hóa kinh doanh của cả người Hoa và người Ấn, cả trong giai đoạn cổ trung đại và cận đại. Bỏ qua vai trò một vị hộ pháp Phật giáo, Kubera (dưới lớp vỏ bọc Đa Văn Thiên Vương của Phật giáo) chính là vị Thần Tài ngoại nhập đầu tiên trong văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, do sự phát triển lấn át của Nho giáo sau giai đoạn nhà Trần, vai trò của Kubera hay Đa Văn Thiên Vương trong Phật giáo dần bị lu mờ và được thay thế bằng một phiên bản mới mang tính Nho giáo là Sóc Thiên Vương, Phù Đổng Thiên Vương hay Thánh Gióng. Từ đây, di vết Thần Tài ở Thánh Gióng ngày càng bị thu hẹp trong khi biểu tượng anh hùng quốc gia ngày càng nổi trội. Cho đến khi biểu tượng anh hùng quốc gia này được lịch sử hóa (bằng các bản thần phả, sắc phong của triều đình Nho giáo), nó chính thức đi vào lịch sử Việt Nam trong vai trò một biểu tượng anh hùng của một quốc gia độc lập tự chủ.
Song hành với sự phát triển của một quốc gia độc lập, Đại Việt nhanh chóng phát triển về kỹ thuật, quân sự, văn học, nghệ thuật hàn lâm và cả giao thương. Cho tới nay, chưa ai tìm ra di vết đầu tiên của biểu tượng Thần Tài theo nguyên mẫu Trung Hoa ở giai đoạn phong kiến Đại Việt. Các tài liệu thành văn đề cập khá nhiều đến Bỷ Can hay Phạm Lãi, những người giỏi buôn bán hoặc Triệu Công Minh, Quan Vũ là những Võ Tài Thần trong văn hóa Trung Hoa ảnh hưởng mạnh mẽ ở Việt Nam. Trong giai đoạn cận đại, ở khu vực phía Nam hết sức thịnh hành dạng thờ cúng Thần Tài Trung Hoa được Hoa kiều từ Phúc Kiến, Quảng Đông đưa sang trong quá trình tị nạn chính trị. Kể từ đây, thờ cúng Thần Tài phát triển mạnh ở phía Nam, trở thành một trong những loại hình thờ cúng phổ biến nhất ở khu vực này. Từ sau năm 1986, thờ cúng Thần Tài phát triển bùng nổ và rộng ra phía Bắc. Tới nay, dạng thức thờ cúng này phổ biến ở hầu khắp các tỉnh thành từ Bắc chí Nam; không chỉ ở cộng đồng buôn bán, mà còn phổ biến ở nhiều đối tượng xã hội khác nhau, tạo nên một trào lưu phát triển mới của thờ cúng Thần Tài ở Việt Nam.
Quá trình giao thoa này tạo nên những biến đổi khôn lường của văn hóa Việt Nam, nhờ đó văn hóa Việt không bị đồng hóa vào Trung Quốc như các quốc gia của người Hung Nô, Khiết Đan, Nguyên, Mãn,… trong quá khứ. Chính đặc tính biến đổi của văn hóa Việt Nam đã du nhập và tái tạo nhiều biểu tượng văn hóa của Trung Hoa và Ấn Độ như Tam đa, Ngũ phúc, Bát tiên, Garuda, Rahu,… để biến của người thành của mình. Sự biến đổi Thần Tài và Di Lặc – Bố Đại Hòa thượng hình thành nên một vị Thần Tài mới ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay thể hiện một cách rõ nét đặc tính biến đổi này. Dưới đây là mô hình giao thoa văn hóa Việt Nam theo quan điểm của Trần Quốc Vượng:
Nếu tuần tự sắp xếp các tên gọi từ Thần Tài Kubera đến Thánh Gióng theo lịch đại, chúng ta có sơ đồ như sau: Kubera – Jambhala – Vaisravana – Duō Wén Tiān – Đa Văn Thiên – Đa Văn Thiên Vương – Tỳ Sa Môn – Tỳ Sa Môn Thiên Vương – Xung Thiên Thần Vương – Sóc Thiên Vương – Phù Đổng Thiên Vương – Thánh Gióng. Tuy nhiên, từ Thánh Gióng đến Thần Tài hiện nay là một khoảng cách khá xa để có thể tìm thấy các dữ liệu kết nối hai biểu tượng này. Vì vậy, nghiên cứu này chỉ tạm thời đưa ra một số nhận xét như sau:
Thần Tài Kubera từ văn hóa Ấn Độ vượt dãy Hymalaya thâm nhập vào văn hóa Trung Hoa qua biểu tượng Đa Văn Thiên từ hàng nghìn năm trước. Biểu tượng này cũng ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam qua biểu tượng Xung Thiên Thần Vương hay Thánh Gióng từ giai đoạn Lý – Trần khoảng 1.000 năm trước18. Trong khi Thần Tài theo nguyên mẫu Trung Hoa ảnh hưởng đến văn hóa Việt Nam muộn hơn rất nhiều (đến Việt Nam theo chân Hoa kiều tị nạn chính trị giai đoạn Minh – Thanh) khoảng ba thế kỷ trở lại đây. Mặc dù du nhập muộn, nhưng biểu tượng Thần Tài theo nguyên mẫu Trung Hoa ở Việt Nam đã phát triển hết sức nhanh chóng. Tới nay, biểu tượng của vị thần này đã phổ biến ở khắp Bắc – Trung – Nam. Không dừng lại ở các nguyên mẫu Trung Hoa hay Ấn Độ, thờ cúng Thần Tài trong văn hóa Việt Nam còn có sự biến đổi đột biến sau năm 1986 nhờ quá trình bùng nổ kinh tế. Quá trình này định hình thêm một biểu tượng Thần Tài mới trong văn hóa Việt Nam đương đại, đó là biểu tượng Di Lặc – Thần Tài. Hiện tượng văn hóa xã hội mới này có sự kết hợp giữa thờ cúng Di Lặc và thờ cúng Thần Tài ở Việt Nam, hình thành nên một biểu tượng Thần Tài mới.
Trở lại với những câu hỏi đặt ra ở phần đầu của nghiên cứu này: Tại sao Thần Tài lúc thì đội mũ có râu, lúc thì đầu trọc không râu, lúc thì quần áo chỉnh tề, lúc thì phanh ngực hở bụng? Tại sao cùng một pho tượng, có người gọi là Thần Tài, có người gọi là Di Lặc? Chúng tôi xin được trả lời như sau: Vị Thần Tài đội mũ ô sa, có râu, quần áo chỉnh tề là Thần Tài có nguồn gốc từ Trung Hoa du nhập vào Việt Nam, định hình trong văn hóa phía Nam rồi phát triển ra khắp cả nước như chúng ta thấy hiện nay. Vị Thần Tài đầu trọc, không râu, to béo, phanh ngực, hở bụng là vị Thần Tài mới. Vị thần này (chính xác hơn là những pho tượng này) mới được hình thành thời gian gần đây; là sự kết hợp hai biểu tượng mang những nét đặc trưng của Thần Tài Kubera và của Di Lặc – Bố Đại Hòa thượng (béo lùn, bụng to, cởi trần hoặc phanh ngực). Đây là một biến đổi to lớn của Thần Tài trong văn hóa Việt Nam không chỉ dưới góc độ biểu tượng, mà còn là một hiện tượng xã hội đặc biệt diễn ra ở Việt Nam hiện nay. Dạng Thần Tài mới này cần được xem xét kỹ hơn dưới các góc nhìn kinh tế – xã hội ở Việt Nam hiện nay, cũng như những biến đổi của nó trong lịch sử Phật giáo Trung Hoa trước đây từ Kubera đến Di Lặc – Bố Đại Hòa thượng.
Kết luận về tục thờ cúng Thần Tài tại Việt Nam
Thông qua tìm hiểu nguồn gốc và quá trình biến đổi của Thần Tài trong văn hóa Việt Nam, chúng tôi xin đi đến một số kết luận bước đầu như sau:
Thờ cúng Thần Tài là một nhu cầu của con người được hình thành từ hàng nghìn năm trước trong nhiều nền văn hóa như Trung Hoa, Ấn Độ và Việt Nam. Biểu tượng Thần Tài trong văn hóa Ấn Độ là Kubera, vị thần chủ về tài lộc trong phả hệ Hindu. Khi thâm nhập vào Phật giáo, Kubera biến thành các vị hộ pháp Jambhala/ Zambala và Vaisravana.
Khi Phật giáo truyền sang Trung Hoa và Việt Nam thời Bắc thuộc, biểu tượng này được Hán hóa thành Đa Văn Thiên. Sau khi Đại Việt giành độc lập, biểu tượng này dần được Việt hóa thành Tỳ Sa Môn Thiên vương/ Xung Thiên Thần Vương/ Phù Đổng Thiên Vương/ Thánh Gióng, một biểu tượng anh hùng quốc gia trong văn hóa Việt Nam.
Thờ cúng Thần Tài ở Trung Hoa được hình thành từ nhiều thế kỷ trước ở nhiều giai đoạn khác nhau (chưa xác định niên đại chính xác của biểu tượng này) với nhiều biểu tượng như Bỷ Can, Phạm Lãi, Triệu Công Minh, Quan Vũ,… Hình thức thờ cúng này du nhập vào Việt Nam từ khoảng đời Minh theo chân Hoa kiều tị nạn chính trị, ảnh hưởng rộng rãi ở khu vực phía Nam, sau phổ biến ra phía Bắc và cả nước.
Trong bối cảnh bùng nổ kinh tế hiện nay, ở Việt Nam xuất hiện thêm một vị Thần Tài mới là Di Lặc – Thần Tài, một sự kết hợp giữa thờ cúng Thần Tài và thờ cúng Di Lặc – Bố Đại Hòa thượng.
Ngoài những biến đổi để tạo thành một dạng thờ cúng mới trong xã hội hiện đại, biểu tượng Thần Tài trong văn hóa Việt Nam còn kết hợp hết sức thú vị với một vị thần quan trọng khác là Thần Đất tạo nên loại hình thờ cúng Thần Tài – Ông Địa. Nghiên cứu hình thức thờ cúng Thần Đất và những biến đổi của nó trong văn hóa Việt Nam sẽ lý giải các vấn đề như việc mua nhầm tượng Thần Tài hay đặt các vị thần này nhầm chỗ (bên cạnh việc đặt chung chỗ như Thần Tài – Ông Địa) đang ngày càng phổ biến trong giai đoạn hiện nay.