Họ là gì? Họ được hình thành từ thời nào?

Họ là gì? Họ được hình thành từ thời nào? Con người từ thuở sơ khai sống hỗn cư, quần hôn đến khi có mầm mống của chế độ hôn nhân gia đình phải trải qua bao nhiêu thiên niên kỷ?

Từ chế độ mẫu hệ, đến thế kỷ nào thì chuyển qua phụ hệ ở các châu lục? Ban đầu từ một quần thể, dần dần phát triển thành hàng trăm họ, mỗi họ chính thức hình thành từ thời nào?

Bàn đến lịch sử nguồn gốc các họ ở nước ta, họ nào thuộc nguồn gốc Giao Chỉ, Việt Thường? Họ nào thuộc nguồn gốc Môn – Khmer? Họ nào Trung Hoa di cư sang ta dần dần hình thành “Người Việt gốc Hoa”? Phân biệt họ nào là họ lớn, họ bé? Rồi đến cách gọi nhau, cách xưng danh: Từ họ đến tên lót, tên chính, hoặc họ hai từ ghép rồi đến một từ hoặc tên đặt trước, họ đặt sau. Tất cả những vấn đề lý luận nêu trên đều cần thiết phải bàn nhưng thuộc nội dung tác phẩm khác dành cho các học giả uyên thâm bàn bạc về triết học, sử học, ngôn ngữ học, dân tộc học, khảo cổ học, địa phương học, tâm lý học, xã hội học v.v… Những vấn đề đó không thuộc phạm vi tiểu phẩm này.

Thực tế đối với dân tộc Việt Nam, không ai không biết họ là gì trừ một số sắc tộc đặc biệt còn sót lại thuộc mẫu hệ chưa có họ chỉ có tên (ở Tây Nam Trung bộ). Vì trẻ con bắt đầu học nói đã biết tên mình, tên anh chị em trong nhà mình; khoảng 4-5 tuổi đã biết mình họ gì, 9 – 10 tuổi đã biết những người có quan hệ họ hàng gần gũi; trước tuổi thành niên ít ra cũng đã được một vài lần dự lễ giỗ tổ tiên ông bà, bất cứ theo tôn giáo nào cũng không ai bỏ việc thờ phụng gia tiên, tuy nghi thức hành lễ có khác nhau.

Vậy họ là gì?

Chỉ cần một định nghĩa rất đơn giản mà ai cũng hiểu: “Họ là khái niệm của gia đinh mở rộng”.

Gia đình gồm: Cha mẹ sinh ta và anh chị em ruột ta là gia đình 2 thế hệ, đến khi ta lấy vợ sinh con mà cha mẹ ta còn sống lên chức ông bà đó là gia đình 3 thế hệ, cứ tiếp tục, 4, 5, 6, 7… thế hệ tức là họ. Họ có quan hệ thân sơ, muốn biết quan hệ thân sơ thì xem gia phả, nhưng xuất phát cũng từ một bào thai sinh ra gọi là “đồng bào”.

Họ là gì? Họ được hình thành từ thời nào?
Nhà thờ họ 3 gian

Như trong “Lời nói đầu” chúng tôi đã trình bày:”Việc Họ” chỉ là một tiểu phẩm để trao đổi tâm tư và kinh nghiệm giữa những người thường quan tâm đến việc họ và tích cực chăm lo việc họ nhằm giúp ích các họ thêm được nhiều người hăng hái đóng góp công sức, tiền của và thống nhất nhận thức làm cho họ mình ngày thêm thịnh đạt.

“Việc Họ” nhằm giải quyết những vấn đề cụ thể sau đây, tác giả chỉ là một người xới vấn đề để bàn, còn kết luận vấn đề phải tuỳ từng họ:

Thời xưa, họ lớn, họ bé, họ nào cũng có ruộng hương hoả, họ nào cũng có cuốn gia lễ và gia phả, nhiều ít đều có tự điền (ruộng giỗ), lớn hay bé cũng có nhà thờ hoặc bàn thờ gia tiên, vì vậy một mình tộc trưởng đã có thể điều hành việc họ trăm năm không ngớt hương khói, chẳng cần phải bàn.

Nhưng ngày nay thời đại mới, cơ chế mối, tư duy mới, thực hiện nề nếp cũ, phong tục cũ, lễ nghi cũ như thế nào cho thoả đáng? Muốn cho họ bền vững, ngày càng thịnh đạt thì cơ chế điều hành việc họ phải như thế nào? Không còn ruộng đất tư thì tiền đâu biện lễ, tiền đâu sửa sang nhà thờ, mồ mả, mua sắm tế khí? Như vậy phải đóng góp, vận động quyên cúng ra sao? Chi tiêu quản lý ra sao? Nghi lễ tiến hành ra sao cho hợp thời? Họ mất gia phả, thì tính sao? Họ còn gia phả nhưng rách nát, thiếu đầu thiếu đuôi thì tính sao? Gia phả lâu đời chưa tục biên thì tính sao? Lại còn nhiều vấn đề nảy sinh trong thời mới hoặc trước đã có nhưng chưa được các cụ quan tám, thí dụ: Vấn đề con gái, con dâu, sinh đẻ có kế hoạch, chế hộ hôn nhân một vợ một chồng, con ngoài giá thú, con nuôi, cháu ngoại, các chi nhánh xa quê về lễ tổ, về tìm tổ tích, tìm bà con, vấn đề quy tụ mổ mả xây dựng nghĩa trang, tìm những ngôi mộ tổ mất tích v.v…

Đất nước ngày càng tiến lên công nghiệp hoá, con cháu các họ ngày càng phân tán xa quê, hướng về quê như thế nào cho hợp tình hợp cảnh? Những vấn đề nêu trên đều là những vấn đề thiết thực, những vấn đề lớn, không đơn thuần lý luận mà đòi hỏi từng họ phải có những con người có kiến thức, nhiệt tâm và biết vận dụng trí tuệ tập thể, công sức tập thể, có kế hoạch lần lượt giải quyết những yêu cầu thiết thân đối với từng họ.

Nếu như những nội dung nêu trong tiểu phẩm này giúp ích được tý chút nào cho công trình lớn lao của quý họ, làm cho quý họ ngày càng gắn bó tình thân thuộc, trên cơ sở đó quý họ ngày càng thịnh đạt, thì đó là sở nguyên cao nhất của tác giả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Call Now Button